Sau hơn 02 năm thi hành hiệu quả, mô hình “Ngày Pháp luật” đã chính thức được luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 tại Điều 8 cụ thể như sau: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Như vậy, bắt đầu từ năm 2013, nước ta có một ngày quan trọng của cả nước để khẳng định tính thượng tôn của pháp luật.
Để việc thực hiện Ngày Pháp luật được thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngày 04/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Liên quan đến “Ngày Pháp luật”, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 và Nghị định số 28 quy định về một số vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 28 quy định, “Ngày Pháp luật” được tổ chức với các nội dung:(1)Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; (2) Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; (3) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;(4) Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; (5) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; (6) Các nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Thứ hai, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28 quy định “Ngày Pháp luật” được tổ chức dưới các hình thức sau: (1) Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; (2) Thi tìm hiểu pháp luật; (3) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; (4) Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Thứ ba, về trách nhiệm tổ chức “Ngày Pháp luật”, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan Trung ương các tổ chức thành viên trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho phù hợp.
Thứ tư, về chính sách hỗ trợ đối với cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động “Ngày Pháp luật”. Với mục đích khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động này, Nghị định số 28 quy định rõ các chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, tổ chức tham gia công tác này.
Qua 6 năm thực hiện Ngày Pháp luật có thể khẳng định: “Ngày Pháp luật” là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả, bởi pháp luật quy định cho “Ngày pháp luật” được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Với các hình thức đa dạng “Ngày Pháp luật” sẽ giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống.
“Ngày Pháp luật” sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta.Thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật” sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật còn giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó giúp người dân hiểu được các quy định luật pháp và tuân thủ thực hiện. “Ngày Pháp luật” còn là cơ hội để người dân tham gia thể hiện sự hiểu biết của mình về pháp luật và có những góp ý tham gia vào công tác xây dựng luật.
“Ngày Pháp luật” cũng thực sự có ý nghĩa đối với hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.“Ngày Pháp luật” được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, từ các cơ quan Nhà nước với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thực sự sẽ trở nên gần gũi, thiết thực với các cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân. Từ đó, giúp các cán bộ, công chức, viên chức và người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật, tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh. Với ý nghĩa đó “Ngày Pháp luật” thực sự sẽ trở thành ngày thượng tôn pháp luật.
Đối với Quân đội, “Ngày Pháp luật” hàng tháng trong Quân đội thực hiện theo Công văn số 3535/HĐPH ngày 04/10/1010 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 20/01/2011 của Bộ Quốc phòng về việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trong Quân đội.Đây là một trong những hình thức, một kênh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng và mọi tổ chức trong quân đội;làm cho chính sách và các quy định của pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội đến với mọi quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng một cách thiết thực, kịp thời;bồi dưỡng ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, tư vấn, giải đáp những vướn mắc về mặt pháp lý cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng ngay từ cơ sở; thông qua đó để cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng ngay từ cơ sở. Thông qua thực hiện “Ngày pháp luật” kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, đấu tranh phê phán những biểu hiện vi phạm pháp luật, kỷ luật trong quân đội, đơn vị.
Năm 2019, chủ đề Ngày Pháp luật trong Quân đội được xác định là: Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Để góp phần cùng toàn Quân thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và thực hiện thắng lợi nội dung “Ngày Pháp luật” năm 2019 trong Quân đội nói riêng, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và cấp ủy chỉ huy các cấp đã có nhiều chủ trương biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng; các tổ chức quần chúng xung kích thực hiện hiệu quả nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhà trường đã thống nhất và quy định tổ chức “Ngày Pháp luật” hàng tháng gắn với Ngày đảng, ngày chính trị và văn hóa tinh thần vào đầu tháng cùng với sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ của tổ chức Đảng.
Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Đảng ủy, Thủ trưởng Ban Giám hiệu Nhà trường, cùng sự hưởng ứng, vào cuộc của đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên các tổ chức quần chúng với nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn, năm 2019, công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà trường có nhiều chuyển biến tiến bộ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài các nội dung theo quy định trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật và Chỉ thị 04/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Nhà trường còn thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Tập trung tuyên truyền, phổ biến những điều luật mới, các quy định mới của Quân đội, Binh chủng và Nhà trường; phân công cán bộ, giảng viên lên lớp giới thiệu các nội dung chuyên đề về pháp luật; bổ sung, cụ thể hóa một số điều luật vào nội dung, chương trình giáo dục đào tạo; củng cố tủ sách pháp luật tại các đơn vị. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cơ sở, Công đoàn cơ sở đã phối hợp tổ chức được nhiều cuộc thi tìm hiểu, các buổi tọa đàm, trao đổi, diễn đàn thanh niên, sân khấu hóa các chủ đề về pháp luật, kỷ luật. Điển hình như Hội thi tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá; mời chuyên gia nói chuyện tuyên truyền về tác hại của rượu bia và văn hóa sử dụng rượu bia; tham gia thi tìm hiểu Bộ Luật hình sự; mô hình mỗi tuần một điều luật trong buổi thông báo thời sự đầu tuần tiếp tục được các tiểu đoàn triển khai thực hiện hiệu quả...
Những nội dung, hình thức phong phú trên đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, phát huy dân chủ, nội bộ đoàn kết, thống nhất, xây dựng Nhà trường là đơn vị điểm về VMTD mẫu mực,tiêu biểu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Với những hiệu quả to lớn sau 6 năm triển khai thực hiện, “Ngày Pháp luật” nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những hình thức để tôn vinh tinh thần thượng tôn pháp luật, tác động tích cực đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.