Chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Khí tượng thế giới “Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin KTTV và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 “Kiến tạo Tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, qua đó, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời ngay từ bây giờ. Đó là tăng cường hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm và trong ngắn hạn và dài hạn để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân; thúc đẩy quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm nói riêng và tài nguyên nước nói chung vì sự sống của các thế hệ hôm nay và mai sau; lan tỏa sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững của hành tinh và nhân loại.
Nguồn nước ngầm có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người và các sinh vật trên Trái đất. Hiện nay, tại nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, nước ngầm là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên dễ sử dụng nhất, phục vụ nhu cầu cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất của con người. Chính vì vậy, không phải lúc nào con người cũng có thể biết và xác định, tiếp cận, đo lường hay nghiên cứu nước ngầm. Ngoài những lợi ích trực tiếp đối với con người, nước ngầm góp phần ổn định dòng chảy của nhiều con sông, đồng thời giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở và sụt lún đất. Đây chính là nguồn nước đáng tin cậy dùng cho nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và có thể sử dụng một cách linh hoạt.
Mặc dù, nguồn nước ngầm tương đối dồi dào nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường nước ngầm nói riêng ở nước ta đã và đang là thách thức. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng tăng cao, nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng. Như vậy, nếu như không có các chính sách và kế hoạch quy hoạch tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn thì nguồn tài nguyên hữu hạn, quý giá này sẽ không được bảo vệ. Chúng ta có thể thấy khi nguồn nước bị ảnh hưởng dẫn đến thời tiết nhiều năm gần đây ngày càng khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng lương thực, di dời và di cư cũng như mất an ninh kinh tế xã hội.
Vai trò công tác thông tin, dự báo tác động, đồng thời cần phải phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương. Đây là điều kiện kiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu tốt hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống và sinh kế bền vững cho người dân.
Để thể hiện việc chung tay để giảm bớt gánh nặng cho môi trường và thiên nhiên. Góp phần truyền tải thông điệp nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, chống lại biến đổi khí hậu thông qua các hành động đơn giản Trường Sĩ quan Phòng hóa đã lồng ghép với các hoạt động của cơ quan, đơn vị để tổ chức truyền tải rộng rãi thông điệp bằng những hành động thiết thực. Cụ thể hóa chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do chính phủ phát động, hoạt động “Bộ đội Hóa học đồng hành bảo vệ môi trường” do Binh chủng Hóa học tổ chức với việc làm hiệu quả thiết thực như: Tổ chức lực lượng ra quân làm vệ sinh môi trường, xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường; trồng và chăm sóc bồn hoa trong khuôn viên Nhà trường, Trung tâm huấn luyện tổng hợp (trồng mới được 8.150 cây, trong đó có 8.000 cây lấy gỗ và bóng mát, 150 cây ăn quả); hàng tuần tổ chức thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải nhựa; đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”, Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” và thực hiện chỉ thị Hiệu trưởng “Nhà trường không khói thuốc”, xây dựng ngôi nhà 100 đồng, phát động cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, học viên trong đơn vị tiết kiệm điện nước, hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni lông, trong sinh hoạt…
Từ những việc làm trên Trường Sĩ quan Phòng hóa đã tích cực, chủ động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Ngày Nước Thế giới, Ngày Khí tượng Thế giới, Giờ Trái đất năm 2022 cũng như trong thời gian tới với trách nhiệm và việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, viên chức quốc phòng, HSQ-BS toàn Trường đối với việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường; tuyên truyền về sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nơi ở, nơi học tập, công tác. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên, HSQ-BS, thể hiện trách nhiệm và đóng góp vào nỗ lực chung của quốc gia và toàn cầu trong công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường sự phối hợp, đoàn kết giữa Nhà trường và địa bàn đóng quân. Làm cho môi trường học tập, công tác xanh - sạch - đẹp hơn, góp phần vào sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước nói riêng và của trái đất này nói chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội thời kỳ mới./.
Một số hình ảnh: