Tin tức Trường SQPH

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG SĨ QUAN PHÒNG HÓA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ từ nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đến đổi mới chương trình, nội dung phương pháp dạy học; từ xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ, quản lý giáo dục đến hiện đại hóa các trang thiết bị dạy học. Trong đó yếu tố đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định là xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Thực tiễn cho thấy, vấn đề có tính quy luật là phải có đội ngũ nhà giáo tài năng, đức độ thì mới có các thế hệ học trò giỏi, những cán bộ tốt. Vì vậy, để giáo dục đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ  Tổ quốc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo" (1).

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đối với nhiệm vụ giáo dục đào tạo, trong những năm qua, Trường Sĩ quan Phòng hoá đã quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về Công tác giáo dục đào tạo trong tình hình mới, Nghị quyết 769/NQTU ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương về Xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhà trường đã tập trung mọi nỗ lực xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những năm qua, chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo của Nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn hóa học cho toàn quân. Hiện nay, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường cơ bản đủ về số lượng theo biên chế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và phong cách công tác tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có kiến thức toàn diện, 100% có trình độ đại học trở lên, trong đó có 29,94% sau đại học (tiến sĩ 2,82 %, thạc sĩ 27,12%); có năng lực, kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý giáo dục và nghiên cứu khoa học, yêu nghề, tâm huyết với công việc. Nhiều đồng chí thực sự là tấm gương sáng về trí tuệ, tài năng, phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực để các thế hệ học viên noi theo.

Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ giảng viên ở một số khoa còn thiếu, tỷ lệ đạt chuẩn về chất lượng thấp, số giảng viên đầu ngành có kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy ít, lực lượng kế cận còn mỏng, nhiều giảng viên chưa qua thực tế chức danh đào tạo, số giảng viên có học hàm, học vị ít; năng lực, kinh nghiệm trong quản lý giáo dục đào tạo có một số đồng chí cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế. Để khắc phục những bất cập trên và đáp ứng được yêu cầu giáo dục đào tạo trong thời gian tới, Nhà trường đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, có cơ cấu cân đối, hợp lý.

Căn cứ hướng dẫn của trên và đặc điểm nhiệm vụ giáo dục đào tạo, Nhà trường thường xuyên rà soát, đánh giá đúng số lượng, chất lượng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý ở các khoa, cơ quan, đơn vị gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ chỉ huy của Nhà trường trong từng giai đoạn và từng năm một cách khoa học, sát thực tiễn nhiệm vụ giáo dục đào tạo; từng bước bảo đảm cân đối số lượng chuyển ra và số được bổ sung, kiện toàn. Chủ động đề xuất điều chỉnh đội ngũ cán bộ trong Binh chủng và tuyển chọn, bổ sung đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục từ nhiều nguồn, nhiều hướng. Trước hết, Nhà trường đề xuất với Thường vụ Đảng uỷ Binh chủng lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng sư phạm ở các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng cử đi đào tạo, bồi dưỡng làm giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tập trung điều chỉnh, khắc phục bất cập về cơ cấu độ tuổi, trình độ đào tạo, bảo đảm có nguồn kế cận hợp lý. Phấn đấu đến năm 2020 Nhà trường có đủ số lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo.

Hai là, tích cực chủ động làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết 769/NQ-TƯ ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục từng năm, xác định rõ chỉ tiêu, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cho từng khoa, cơ quan, đơn vị; gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ, thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Coi trọng gắn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn với phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức toàn diện. Nhà trường xác định đây là yêu cầu chủ đạo bảo đảm cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất năng lực, luôn trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, giữ vững định hướng chính trị trong hoạt động giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà trường quan tâm đào tạo, bồi dưỡng theo từng lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đầu ngành, bảo đảm cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên sâu, kỹ năng sư phạm tốt, tư duy khoa học, sáng tạo, biết vận dụng linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn. Rà soát, đánh giá đúng chất lượng cán bộ, giảng viên để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu chuẩn hóa từng chức danh. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng cán bộ, luân phiên đảm nhiệm các cương vị trong Binh chủng; giữa đào tạo nâng cao trình độ học vấn với đào tạo theo chức danh, phát hiện đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, tạo điều kiện để cán bộ sớm có học vị cao, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để công nhận các chức danh khoa học. Phấn đấu đến năm 2020, Nhà trường có 100% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học trở lên, trong đó có 65% đến 70% sau đại học, trình độ tiến sĩ đạt 16% đến 18%.

Ba là, quan tâm chăm lo tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục phát triển và cống hiến; xây dựng Nhà trường có môi trường sư phạm lành mạnh.

Hiện nay, Nhà trường đã và đang được đầu tư, nâng cấp hệ thống các phòng học chuyên dụng, bổ sung các phương tiện, thiết bị hỗ trợ giảng dạy như: máy chiếu, sơ đồ, mô hình, bảng biểu... Thực tế, những trang thiết bị trên đã được cán bộ, giảng viên và học viên khai thác hiệu quả, phục vụ tốt cho giảng dạy, nghiên cứu, học tập. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường và cấp uỷ các cấp đã quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường văn hoá, môi trường sư phạm quân sự lành mạnh; chú trọng xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, nội bộ dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Nhờ vậy, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục luôn yên tâm, gắn bó với đơn vị, phát huy tốt năng lực, sở trường, sáng tạo trong công tác. Cùng với đó, Nhà trường quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên, học viên nói chung, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, như: củng cố cải tạo nơi ăn, nghỉ, học tập, công tác, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội... tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên yên tâm công tác.

Bốn là, phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ; lấy đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách làm trung tâm

Trong những năm qua, công tác quản lý, đánh giá sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ở Trường Sĩ quan Phòng hoá được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định. Các chức danh được điều động, bổ nhiệm trên mọi cương vị luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả đó phản ánh vai trò quan trọng của cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường và cấp uỷ, chỉ huy các cấp coi việc quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ là khâu quan trọng hàng đầu, là cơ sở để có kế hoạch bồi dưỡng đào tạo phù hợp, đồng thời tạo động lực để cán bộ, giảng viên phát huy sở trường, năng lực chuyên môn, phấn đấu vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Để tiếp tục quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ, giảng viên có hiệu quả đặt ra cho cấp uỷ, chỉ huy các cấp phải tiếp tục bám sát kế hoạch, quy chế, hướng dẫn của trên về công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất, năng lực; điều động, bổ nhiệm hợp lý, bảo đảm cơ cấu độ tuổi và mọi cán bộ, giảng viên được trải nghiệm thực tiễn. Trong đó cần đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ, giảng viên, coi đó là cơ sở để quản lý và sử dụng. Đối với cán bộ, giáo viên, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hiệu quả công tác thực tế; đối với cán bộ quản lý giáo dục lấy khả năng tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoàn thành nhiệm vụ quản lý, chỉ huy đơn vị theo chức trách nhiệm vụ được giao làm cơ sở đánh giá, lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục là khâu quan trọng hàng đầu trong đổi mới căn bản giáo dục đào tạo ở Trường Sĩ quan Phòng hoá. Hiện nay Nhà trường đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn Phòng Trung ương Đảng phát hành, Hà Nội - 2016

Đại tá, ThS Nguyễn Đức Thành - Chính ủy Nhà trường