Tin tức Trường SQPH

Tuyên truyền ngày khoa học và công nghệ Việt Nam

Ngày 18/5/1963, tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học và công nghệ Việt Nam trên suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua. Ngày 18 tháng 6 năm 2013, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định lấy ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.

Hầu hết các tài nguyên khi càng khai thác, càng cạn kiệt; nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú. Bất kỳ ai, mọi người dân, đều có quyền tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ. Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ; tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Niềm tự hào và tinh thần cao quý đó phải được bồi đắp để trở thành một nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất - nguồn lực con người, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, đưa Nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30-12-2012 của Quân ủy Trung ương đã xác định: Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Khoa học công nghệ là nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Đối với Quân đội ta, công tác Khoa học công nghệ luôn phải bám sát thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng, lấy việc phục vụ nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là mục tiêu hàng đầu; đồng thời góp phần tạo nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, KH-CN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, sự phối hợp giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ban, ngành Nhà nước, công tác KH-CN trong Quân đội đã phát triển đúng hướng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt kết quả ngày càng vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Toàn quân đã triển khai tích cực, đồng bộ công tác KH-CN, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả, từng bước đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn của quân đội ta. Khoa học nghệ thuật quân sự đã tập trung nghiên cứu dự báo, phục vụ Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối quân sự, tổ chức lực lượng, hoàn thiện và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam. Khoa học xã hội và nhân văn quân sự chú trọng vào nghiên cứu phát triển lý luận, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và lực lượng vũ trang; nâng cao hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đã tập trung nghiên cứu, từng bước làm chủ thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí thông thường; tiếp cận một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có trình độ cao; tăng cường chuyển giao tiến bộ KH-CN. Bộ Quốc phòng chú trọng đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho công tác chỉ huy điều hành trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật và thực hiện các nhiệm vụ bảo quản, sửa chữa, cải tiến, thiết kế, chế tạo và sản xuất quốc phòng... Các công nghệ mũi nhọn đã từng bước hòa nhập với sự phát triển của quốc gia, tạo tiềm lực KH-CN phục vụ Quân đội ngày càng tốt hơn.

Hợp tác khoa học công nghệ ngày càng đa dạng và có hiệu quả, điển hình là chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ KH-CN thực hiện từ năm 2003; đang triển khai xây dựng Chương trình phối hợp nghiên cứu KH-CN phục vụ quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh... Hoạt động hợp tác quốc tế về KH-CN trong Bộ Quốc phòng được đẩy mạnh; phát huy có hiệu quả mô hình Trung tâm nghiên cứu KH-CN hỗn hợp Việt-Nga; tăng cường các nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo nghị định thư và đa dạng hóa các hình thức hợp tác khác.

Công tác quản lý KH-CN trong Quân đội đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào nền nếp. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý tương đối chặt chẽ và hiệu quả; đã kịp thời nghiên cứu và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc thù hoạt động KH-CN trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Cục Khoa học quân sự (KHQS) và cơ quan KHQS các cấp đã tham mưu hiệu quả, kịp thời với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt công tác KH-CN toàn quân.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ trong toàn quân, hoạt động Khoa học công nghệ của Trường Sĩ quan Phòng hóa cũng đạt được những kết quả nhất định. Số lượng đề tài, sáng kiến hàng năm không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tài liệu, giáo trình được biên soạn mới, chỉnh sửa và in ấn đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên. Công tác quản lý hoạt động thông tin KHQS chặt chẽ, chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực hoạt động, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các văn bản qui phạm pháp luật của ngành. Hàng tháng, Nhà trường tổ chức có hiệu quả các buổi thông tin KHQS cho các đối tượng hưởng lương trong toàn Trường. Tích cực, chủ động trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ ngành KHQS. Đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả công tác thông tin - thư viện, đầu tư nâng cấp phòng đọc; mua sắm máy vi tính đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin phục vụ công tác giảng dạy và học tập, bổ sung sách báo phục vụ cho nghiên cứu và học tập của các đối tượng. Duy trì hoạt động và cập nhật thông tin thường xuyên lên Website của Nhà trường trên mạng Internet.

          Kết quả, công tác khoa học quân sự của Nhà trường trong năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Cục Nhà trường tổ chức nghiệm thu 01 đề tài và 02 sáng kiến cấp Bộ Tổng Tham mưu của năm 2017. Trong đó: 01 đề tài và 01 sáng kiến đạt Xuất sắc, 01 sáng kiến đạt Khá. Nghiệm thu 02 đề tài và 02 sáng kiến cấp BTTM năm 2018, kết quả: 01 đề tài và 01 sáng kiến đạt Xuất Sắc, 01 đề tài và 01 sáng kiến đạt Khá. Nghiệm thu 02 tài liệu huấn luyện của năm 2017 và thông qua biên soạn đề cương 09 tài liệu huấn luyện năm 2018. Nghiệm thu 06 giáo trình  và in ấn mới 03 giáo trình phục vụ cho công tác giáo dục đào tạo của Nhà trường. Thu thập, bổ sung nhiều đầu sách, tạp chí các loại, chủ yếu là tài liệu, giáo trình dạy học do Bộ Tổng Tham mưu và các trường Quân đội phát hành, phục vụ cho giáo dục - đào tạo và huấn luyện chiến đấu. Triển khai  thư viện số và đưa vào hoạt động phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, học viên của Nhà trường. Duy trì và bảo đảm tốt mạng Missten, Internet phục vụ cho học tập, nghiên cứu, tham khảo của cán bộ, học viên. Trong năm biên soạn, xuất bản 3 số Thông tin Khoa học Giáo dục Phòng hoá, phát hành 100 cuốn/số trong Nhà trường. Cấp phát đầy đủ các ấn phẩm thông tin do Trung tâm và các đơn vị bạn phát hành tới lãnh đạo, chỉ huy các đầu mối trong Nhà trường. Tổ chức thông tin cho cán bộ, giáo viên 11 buổi. Đặc biệt, Nhà trường đã tổ chức 2 lớp học tiếng anh cho cán bộ, nhân viên trong Nhà trường nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

          Để công tác khoa học quân sự của Nhà trường giành được nhiều kết quả cao các cấp ủy đảng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, QNCN, viên chức quốc phòng, học viên, chiến sĩ, nâng cao nhận thức, xác định đúng vai trò, vị trí quan trọng của KH-CN đối với sự phát triển của Quân đội , Binh chủng và của Nhà trường, từ đó có ý thức trách nhiệm, có mục tiêu rõ ràng và hành động đúng. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động số 171/KH-KHCNMT ngày 25-2-2013 của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết 791 của Quân ủy Trung ương; rà soát các chương trình, đề án Khoa học quân sự, tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong công tác KH-CN. Với những giải pháp đồng bộ, sáng tạo, xây dựng và nhân rộng những mô hình hoạt động KH-CN hiệu quả, nhất định sẽ đưa công tác khoa học quân sự trong Nhà trường phát triển, thực sự là động lực để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

          Hiện nay, đứng trước sự phát triển như vũ bão của KHCN và đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những biến động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và xã hội trong đó có nền giáo dục. Vì vậy, để không bị động trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cán bộ, giảng viên, nhân viên cần nhận thức rõ về những tác động của cuộc cách mạng đến công tác giáo dục - đào tạo, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học vào công tác huấn luyện chiến đấu, tận dụng mọi cơ hội, hạn chế những thách thức, khó khăn góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Thiếu úy QNCN Hà Thị Tỏa - Nhân viên Ban KHQS