Tin tức Trường SQPH

Trường Sĩ quan Phòng hóa tích cực hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương Thế giới năm 2020

Ngày 5 tháng 6 năm 1972, nhân ngày khai mạc Hội nghị Môi trường Thế giới đầu tiên tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, Ngày Môi trường Thế giới đã chính thức được công bố bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme). Trong phiên họp ngày 15 tháng 12 năm 1972, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra quyết nghị chính thức. Từ đó, hơn 150 quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng tham gia vào ngày kỷ niệm này. Từ năm 1982, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các hoạt động này trong phạm vi cả nước. Năm 2016, Chính phủ đã thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, trong đó tập trung các nguồn lực để thực hiện “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước với các hoạt động thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan toả nhanh trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho toàn xã hội.

         Ngày Môi trường Thế giới năm 2020 với chủ đề: “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature). Theo UNDP năm 2020 là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời, đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

        Khí hậu biến đổi đang kéo theo những hậu quả nhãn tiền. Triều cường ngày càng xâm lấn đất liền. Nước dâng cao hơn và thường xuyên hơn. Nếu con người không nhanh chóng hành động bảo vệ biển cả và đại dương sẽ còn thêm nhiều thành phố, làng mạc ven biển bị nhấn chìm. Mực nước biển đã tăng 15cm trong thế kỷ 20 và có thể tăng thêm tới hơn 1 mét nữa vào cuối thế kỷ này, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục như hiện nay. Hơn 90% nhiệt lượng do con người tạo ra được các đại dương hấp thụ. Nước biển đã nóng thêm nửa độ, làm mực nước biển cao hơn. Đại dương chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất, vừa tạo ra dưỡng khí oxy, vừa hấp thụ dioxyde carbone, làm mát khí quyển, góp phần điều chỉnh nhiệt độ và khí hậu Trái đất. Nhiệt độ tăng cao do các hoạt động của con người đang làm tăng tốc độ bốc hơi nước, xáo trộn chế độ mưa, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nắng nóng và hạn hán dài hơn và nhiều hơn, mưa bão và lụt lội dữ dội hơn. Hoạt động của con người cũng xáo trộn hệ sinh thái biển. Rác thải nhựa và hóa chất công nghiệp từ các nhà máy ven biển vẫn đang phá hủy rừng ngập mặn và các rặng san hô, tiêu diệt rong tảo và tôm cá.

        Để cứu hành tinh Trái đất, trước hết là phải cứu biển cả và đại dương. Đó là ý chủ đạo trong nghiên cứu mới nhất của Liên Hợp Quốc do 100 nhà khoa học từ 36 quốc gia thực hiện. Trước thực trạng đó, ngày 08 tháng 6 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Đại dương Thế giới. Ngày Đại dương Thế giới (8/6) là sáng kiến đầu tiên được Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro. Từ năm 2009 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức chọn ngày 08 tháng 6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới. Mục tiêu chung của việc tổ chức ngày Đại dương Thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà quản lý về vai trò cực kỳ quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và cổ vũ các hành động thiết thực vì sự bền vững của biển cả.

        Ngày Đại dương Thế giới năm 2020 với chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững” (Innovation for a Sustainable Ocean) nhằm giới thiệu những phương pháp, ý tưởng, sản phẩm mới, các giải pháp khả thi nhằm làm nổi bật những đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương như công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên, sản phẩm, khoa học công nghệ mới… Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề: “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ ngành và địa phương nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP. Nghị quyết số 26/NQ-CP được Chính phủ thông qua ngày 05/3/2020 ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

        Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương Thế giới, tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan tỏa trên diện rộng. Trong khuôn khổ “Tháng hành động vì môi trường”,  Trường Sĩ quan Phòng hóa đã tích cực, chủ động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương Thế giới, trách nhiệm và việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, viên chức quốc phòng, HSQ-BS toàn Trường đối với việc bảo vệ môi trường; phát động mọi người trong đơn vị giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh hoạt, học tập, công tác. Tuyên truyền về sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học để giải quyết các thách thức. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động cơ quan, đơn vị nhằm góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo đảm lương thực, thực phẩm, cung cấp dinh dưỡng và sức khỏe của con người, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; vị trí, vai trò, tiềm năng, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam; tác hại của ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người; ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học.

        Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2020: “Hành động vì thiên nhiên”   và Ngày Đại dương Thế giới năm 2020 với chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững” được phát động đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên, HSQ-BS, thể hiện trách nhiệm và đóng góp vào nỗ lực chung của quốc gia và toàn cầu trong công cuộc bảo vệ môi trường; tăng cường sự phối hợp, đoàn kết giữa Nhà trường và địa bàn đóng quân. Làm cho môi trường học tập, công tác xanh - sạch - đẹp hơn, góp phần vào sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước nói riêng và của trái đất này nói chung./.

        Một số hình ảnh hoạt động của Nhà trường:

1-copy-.jpg (302 KB)

3-copy-.jpg (89 KB)

imgp8449-copy-.jpg (276 KB)

imgp8531-copy-.jpg (275 KB)

imgp9390-copy-.jpg (330 KB)

2/ Hà Thị Tỏa, Ban KHQS - Phòng Đào tạo