Tin tức Trường SQPH

Trường Sĩ quan Phòng hóa hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020

Ngày 22 tháng 5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020 là “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” nhằm kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tạo sự thay đổi tích cực, đóng góp cho bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

 

          Ở Việt Nam, các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế và văn hoá của đất nước, thể hiện ở các giá trị chính là bảo vệ thiên nhiên và môi trường (giá trị về chức năng sinh thái); kinh tế (giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp) và văn hóa, xã hội. Hiện nay, Việt Nam có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận gồm 8 khu ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới, 1 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.

1-copy-.jpg (63 KB)

          Việt Nam là một nước có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới và là một trong các quốc gia được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Có khoảng 10% số loài trong khi diện tích đất chỉ chiếm chưa tới 1% trên thế giới. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả hệ sinh thái, loài và nguồn gen của Việt Nam. Trong các hệ sinh thái trên cạn, đã thống kê và xác định được trên 13.200 loài thực vật, khoảng 10.000 loài động vật. Trong các vùng đất ngập nước nội địa, đã xác định được trên 3.000 loài thuỷ sinh vật. Môi trường biển với 20 kiểu hệ sinh thái đặc thù, đặc trưng cho biển nhiệt đới và là môi trường sống của trên 11.000 loài sinh vật biển. Khoảng hai thập kỷ gần đây, rất nhiều loài động, thực vật mới được phát hiện và mô tả, trong đó có  nhiều chi và loài mới cho khoa học; đặc biệt là các loài thú và các loài cây thuộc họ Lan. Hiện nay nhiều loài động, thực vật mới vẫn được tiếp tục phát hiện và công bố ở Việt Nam. Nhu cầu quản lý một cách bền vững các khu vực được ưu tiên bảo tồn và tăng cường tài chính để bảo tồn đa dạng sinh học là rất cần thiết cho tương lai của nền kinh tế.

          Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cụ thể, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR ), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)...

2-copy-.jpg (83 KB)

          Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,… cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

          Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối đe doạ tới đa dạng sinh học ở Việt Nam. Việc gia tăng dân số và mức tiêu dùng là áp lực dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên sinh vật. Sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đã làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên, chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã. Việc xây dựng nhiều đập nước đã ngăn chặn đường di cư của nhiều loài cá. Việc tăng nhanh độ che phủ của rừng là một tín hiệu tốt, nhưng cũng nên chú ý là một nửa diện tích rừng tăng lên là rừng trồng và rừng phục hồi, nên giá trị đa dạng sinh học không cao. Trong khi đó rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều và vẫn tiếp tục bị suy giảm.

          Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam hướng đến mục tiêu đến năm 2020, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. 

          Trường Sĩ quan Phòng hóa hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng năm 2020

          Thực hiện Công văn số 140/KHQS-MT ngày 04/5/2020 của Phòng Khoa học Quân sự/Bộ Tư lệnh Hóa học về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan tỏa trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học cho toàn xã hội, Hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020, Trường Sĩ quan Phòng hóa ban hành Kế hoạch số 624/KH-TSQ ngày 13/5/2020 về Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020 kèm theo đề cương tuyên truyền gửi đến các cơ quan, khoa giáo viên, tiểu đoàn.

          Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Ban Giám hiệu Nhà trường, các cơ quan, khoa giáo viên, tiểu đoàn đã tích cực triển khai quán triệt, phổ biến Kế hoạch đồng thời tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của đa dạng sinh học và trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, viên chức quốc phòng, HSQ-BS toàn Trường đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học; các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học để giải quyết các thách thức. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, viên chức quốc phòng, HSQ-BS về giá trị và vai trò của đa dạng sinh học đối với việc đảm bảo lương thực thực phẩm, cung cấp dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe của con người, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học. Tuyên truyền về bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm; không buôn bán động vật quý hiến, ưu tiên bảo vệ nguồn động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vận động cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, HSQ-BS sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường và chế độ ăn uống lành mạnh, tích cực tăng gia sản xuất, trồng nhiều cây xanh cải thiện môi trường sống; đổ rác đúng nơi quy định, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước trong các sinh hoạt và đời sống.

          Chủ đề Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020 “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” được phát động và tổ chức đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, thông điệp này kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tạo sự thay đổi tích cực, đóng góp cho bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững./.

2/ Hà Thị Tỏa, Ban KHQS/Phòng Đào tạo