Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Nhà trường, Ban biên tập website Trường Sĩ quan Phòng hóa thông tin đến bạn đọc “Hướng dẫn phòng chống dịch viêm phổi do vi rút Corona mới”, để cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhận thức đầy đủ về biểu hiện, cách phòng chống dịch viêm phổi do nCoV, cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết và phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn:
TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM PHỔI DO VI RÚT CORONA
1. Tình hình dịch viêm phổi do nCoV trên thế giới
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến 06h00 ngày 31/01/2020 trên thế giới có tổng số 9807 trường hợp mắc viêm phổi cấp do nCoV, số ca tử vong là 213 trường hợp. Trong đó tính riêng ở Trung Quốc có 9692 ca mắc. Ngoài ra, số ca mắc bệnh rải rác ở một số nước trên thế giới, các trường hợp này đều có đặc điểm chung là đã từng đi qua ổ dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc.
2. Tình hình dịch tại Việt Nam
Ở Việt Nam đã ghi nhận 05 ca chẩn đoán xác định viêm phổi do nCoV, trong đó có 02 bệnh nhân người Vũ Hán sang Việt Nam du lịch, 03 công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về (01 người Thanh Hóa, 02 người Vĩnh Phúc). Số trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV là 97, trong đó 65 trường hợp đã xét nghiệm có kết quả âm tính với nCoV, 32 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.
BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH
1. Chẩn đoán viêm phổi do nCoV
1.1. Trường hợp nghi ngờ mắc
Bao gồm các triệu chứng lâm sàng: Sốt, ho, chảy nước mũi, đau mỏi cơ, khó thở, hoặc suy hô hấp cấp tiến triển mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác; và có một trong các điều kiện sau:
Sống hoặc di chuyển đến vùng dịch tễ có bệnh do nCoV trước đó từ 1 đến 14 ngày.
Tiếp xúc trực tiếp với người bị mắc hoặc nghi ngờ mắc viêm phổi do nCoV trước đó từ 1 đến 14 ngày.
Có mặt tại các cơ sở y tế tại vùng dịch tễ đã xác định có ca mắc viêm phổi do nCoV liên quan tới chăm sóc y tế.
Tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở vùng dịch tễ trước đó từ 1 đến 14 ngày.
1.2. Trường hợp có thể mắc
Khi có các bằng chứng về dịch tễ và lâm sàng sau:
- Về dịch tễ:
Tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã chẩn đoán xác định viêm phổi do nCoV, bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân như: Nhân viên y tế, người nhà chăm bệnh nhân.
- Về lâm sàng:
Có các triệu chứng: Sốt, ho, chảy nước mũi, đau mỏi cơ, khó thở, suy hô hấp cấp tiến triển.
- Các trường hợp này không làm được xét nghiệm khẳng định do không lấy được mẫu bệnh phẩm.
1.3. Trường hợp xác định mắc
Là trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đã nêu ở trên và được khẳng định bằng xét nghiệm Real time RT - PCR dương tính với nCoV.
2. Biện pháp phòng chống dịch viêm phổi do nCoV
2.1. Biện pháp chung
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, đặc biệt là phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Quân y đơn vị cần nắm chắc các biểu hiện lâm sàng và cách phòng chống dịch bệnh do nCoV.
Khi đơn vị có cán bộ, chiến sỹ nghi ngờ nhiễm nCoV cần báo ngay cho Quân y Nhà trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
2.2. Biện pháp cụ thể
Tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị nhận thức đầy đủ về bệnh viêm phổi do nCoV và các biện pháp phòng bệnh thông qua giao ban, hội ý, hệ thống phát thanh nội bộ, thông tin điện tử, mạng xã hội không gây hoang mang nhưng cũng không chủ quan.
Cán bộ, chiến sỹ trong toàn Nhà trường cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: Thường xuyên ăn nóng, mặc ấm, ngủ ấm, tắm nước nóng trong những ngày rét đậm và rét hại; tránh gió lùa vào phòng ngủ ban đêm, nhưng phải thông thoáng, ban ngày phải mở hết cửa sổ, cửa ra vào để đón ánh nắng buổi sáng và thông gió, các đồng chí làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác ban đêm phải bảo đảm mặc đủ ấm; Quân y đơn vị chủ động pha nước muối súc họng, nước tỏi nhỏ mũi cho bộ đội.
Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch có cồn. Thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng cá nhân sạch sẽ.
Duy trì tốt chế độ điểm bệnh buổi sáng, kịp thời phát hiện những trường hợp bất thường.
Nếu có biểu hiện của bệnh do nCoV như trên cần báo ngay cho Quân y đơn vị. Những trường hợp sốt trên 38°C cần chuyển lên Bệnh xá.
Tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm nCoV. Khi cần tiếp xúc phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân, như quần áo, ủng, khẩu trang và mũ chuyên dụng./.