Binh chủng Hóa học trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Binh chủng Hóa học thành lập ngày 19 tháng 4 năm 1958, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng trong lĩnh vực phòng chống vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học; thực hiện chức năng cơ quan chủ nhiệm Hóa học trong quân đội đối với công tác xây dựng lực lượng hóa học; chỉ đạo huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; bảo đảm trang bị kỹ thuật phòng hóa toàn quân; chỉ huy quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Tham mưu, đề xuất với cấp trên về các chủ trương, chính sách, biện pháp xây dựng lực lượng hóa học trong quân đội và dân quân, tự vệ Phòng hóa. Đề xuất ban hành các văn bản về công tác phòng hóa. Chủ trì thực hiện quan trắc, trinh sát, thông báo liên quan đến chất độc, chất phóng xạ; thực hiện vai trò nòng cốt sẵn sàng chiến đấu, đối phó thắng lợi với các tình huống hoá học, phóng xạ trước những thách thức an ninh phi truyền thống như: Khủng bố, sự cố thảm họa hoá học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân; xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; tham gia bảo vệ môi trường sinh thái... Tổ chức lực lượng hóa học đảm bảo cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn; xây dựng lực lượng hóa học đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xây dựng các đơn vị trực thuộc VMTD, thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cấp có thẩm quyền giao cho.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, gần 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự tin yêu, đùm bọc, che chở của nhân dân các địa phương nơi Binh chủng đóng quân, công tác, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ, chiến sỹ, Binh chủng Hóa học ngày càng lớn mạnh, trưởng thành và lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện và công tác.

NHỮNG THÀNH TÍCH ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1958-1975)

Binh chủng đã hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ xây dựng phát triển lực lượng, huấn luyện phòng hoá phổ thông cho các LLVT và nhân dân, làm nòng cốt bảo đảm hoá học phục vụ chiến đấu, hướng dẫn phát hiện và khắc phục kịp thời hậu quả địch sử dụng vũ khí hoá học, giảm thiểu tổn thất cho lực lượng ta

Quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối quân sự của Đảng; ngay từ khi mới ra đời, Bộ đội Hóa học (BĐHH) đã nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng; đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ, hạ sỹ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật Hoá học đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng và bảo đảm phòng hóa. Song song với đẩy mạnh xây dựng và phát triển lực lượng sẵn sàng bảo vệ miền Bắc, Binh chủng đã tích cực chuẩn bị và tổ chức chi viện cho miền Nam, nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ bí mật v­­ượt Trường Sơn vào Nam, xây dựng lực lượng Hóa học trong Quân Giải phóng làm nòng cốt phòng chống vũ khí hoá học cho lực lượng vũ trang và nhân dân: Thành lập Phòng Hóa học Miền, Ban hóa học Khu 9, Ban hóa học Tây Nguyên… Từ đó, hình thành hệ thống cơ quan, đơn vị phòng hóa trong toàn quân, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm phòng hoá cho lực lượng vũ trang và nhân dân, sớm cùng với toàn quân, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, không ngại hy sinh, gian khổ, độc hại, BĐHH đã nhanh chóng có mặt ở những nơi bị địch tập kích chất độc hoá học làm nòng cốt hướng dẫn các LLVT và nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo lương thực, thực phẩm để duy trì cuộc sống bộ đội và nhân dân trên các địa bàn. Trên tuyến đường Trường Sơn, BĐHH luôn có mặt trên các cung đường, các trọng điểm để tổ chức huấn luyện phòng hóa cho các lực lượng và nhân dân. Nhờ được trang bị kiến thức phòng hoá, bộ đội và nhân dân đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, khắc phục hậu quả chất độc hoá học của địch, góp phần bảo toàn lực lượng, giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm vận chuyển kịp thời vũ khí, vật chất chi viện cho các chiến tr­ường.

Trong các chiến dịch, các trận chiến đấu, BĐHH luôn chủ động tham mưu, đề xuất giúp người chỉ huy chỉ đạo, hướng dẫn, làm nòng cốt bảo đảm phòng hóa, nhờ vậy, bộ đội không bị động, bất ngờ khi địch tập kích chất độc hóa học, bảo toàn lực lượng, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch, trận đánh. Điển hình như các chiến dịch: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (20/01-15/7/1968), các phân đội phòng hóa đã hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt bảo đảm phòng hóa cho các lực lượng, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch. Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (30/01-23/3/1971), đã chủ động, tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho công tác phòng hóa, hình thành hệ thống từ cơ quan phòng hóa chiến dịch đến các sư đoàn, binh chủng, các hướng, các mũi… bảo đảm cho bộ đội đủ khả năng giữ vững sức chiến đấu theo nhịp độ chung của chiến dịch. Chiến dịch tiến công Trị-Thiên (30/3-27/6/1972), trong điều kiện bảo đảm phòng hoá quy mô lớn, nhiều đối tượng khác nhau, lực lượng hoá học đã tập trung bảo đảm cho hướng tiến công chủ yếu, lực lượng quan trọng của chiến dịch. Khi tình huống hoá học xảy ra đã nhanh chóng chủ động đề xuất các biện pháp, huy động mọi lực lượng, mọi phương tiện để khắc phục hậu quả. Do làm tốt công tác phòng chống nên phần lớn các đợt tập kích của địch đều không gây ảnh hưởng tới mức làm mất sức mạnh chiến đấu của bộ đội. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975: Cục Hoá học đã chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị mọi mặt công tác bảo đảm phòng hoá ba thứ quân. Công tác chuẩn bị tích cực, chu đáo về mặt phòng hoá trên các chiến tr­­ường đã góp phần hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học của địch; giúp các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng giữ gìn phát triển lực lượng thần tốc, tổng tiến công giành thắng lợi.

Hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ sử dụng súng phun lửa để tiêu diệt địch

Sử dụng súng phun lửa tham gia đánh địch là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của BĐHH. Trên các chiến trường, các phân đội phun lửa góp phần giải quyết những vấn đề có tính then chốt, có tác động trực tiếp đến tốc độ tiến công của các lực lượng trong trận đánh, nhất là giải quyết các tình huống chiến đấu trước cửa mở, tiêu diệt các hỏa điểm, hầm ngầm, các phương tiện cơ giới... tạo điều kiện và thời cơ cho bộ binh và xe tăng vượt cửa mở, thọc sâu, phát triển chiến đấu. Tiêu biểu như:

Chiến dịch Đồng Xoài (10/5-22/7/1965), phân đội Phun lửa thuộc Phòng Hoá học Miền phối thuộc cho d2, d4/e272 trong đợt 2, đợt 3 chiến dịch, đã diệt 3 lô cốt, nhiều nhà xe, góp phần tiêu diệt chi khu quân sự Đồng Xoài. Đây là lần đầu tiên Binh chủng bảo đảm phòng hóa chiến dịch đạt kết quả tốt, đặc biệt là đã chủ động đưa phân đội súng phun lửa tham gia chiến đấu lập công xuất sắc, mở ra khả năng đánh địch bằng vũ khí đặc chủng của BĐHH.

Mùa khô 1966 -1967, phân đội Phun lửa Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị tham gia chiến đấu, diệt 6 xe tăng, xe bọc thép, đốt cháy 1 kho xăng, 1 kho đạn và tiêu diệt 64 tên địch.

Từ năm 1967 đến năm 1969, phân đội Phun lửa Sư đoàn 2 đã đánh 24 trận, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ; riêng năm 1969 đánh 6 trận được tặng thưởng 4 Huân chương chiến công giải phóng. Trong trận Đồi Tranh (Quảng Nam), phân đội đã diệt một lô cốt, một hỏa điểm, 30 tên địch. Phân đội phun lửa Mặt trận 4 Quảng Đà năm 1969 đánh 14 trận trong đó 7 trận phối hợp với bộ đội chủ lực, 7 trận phối hợp với bộ đội địa phương, diệt 100 tên địch có 1 đại úy Mỹ...

Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (20/01-15/7/1968), trong trận Làng Vây, các phân đội Phun lửa phối thuộc cho các Sư đoàn 304 và 325 tiêu diệt và uy hiếp lô cốt đầu cầu, mở cửa, tạo điều kiện cho các lực lượng đột kích thọc sâu tiêu diệt địch, làm chủ cứ điểm Làng Vây. Sau chiến dịch, Đại đội 91 Tiểu đoàn 902 tiếp tục hoạt động trên địa bàn Quảng Trị; ngày 24/4/1969 phối hợp với đặc công Sư đoàn 304 tập kích cụm bộ binh cơ giới Mỹ-Ngụy tại Làng Vây mới, diệt 4 ụ súng, 1 xe tăng và 22 tên địch, đốt cháy 7 nhà bạt.

Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (30/01-23/3/1971), Đại đội 91 phun lửa thuộc Tiểu đoàn 902 được tăng cường đã tham gia chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt nhiều hỏa điểm, bắn cháy 4 xe tăng, 4 xe bọc thép, 243 tên Mỹ, ngụy. Tiêu biểu trong trận chốt chặn địch rút chạy từ Bản Đông về Lao Bảo (17/3/1971), phân đội Phun lửa do đồng chí Hoàng Văn Vẻ phụ trách phối thuộc cho eBB36/f308 đã diệt được 4 xe M113 và gần 100 tên địch, góp phần kìm giữ không cho địch rút chạy khỏi Bản Đông, tạo điều kiện cho đơn vị tập kích tiêu diệt cứ điểm này.

Chiến dịch Trị-Thiên (giai đoạn phòng ngự 28/6/1972-31/01/1973), phân đội Phun lửa do đồng chí Thuôn phụ trách được tăng cường cho eBB27 đánh địch ở chợ Sải (13/11/1972) đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt 20 tên địch; cũng trong đêm 13/11/1972, tiểu đội Phun lửa do đồng chí Quý phụ trách tăng cường cho d2/eBB27 tập kích ở Nại Cửu diệt 01 ổ đại liên, 10 tên địch, tạo điều kiện cho bộ binh phát triển chiến đấu.

Hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ sử dụng màn khói ngụy trang, nghi binh cho bộ đội chiến đấu thắng lợi trên chiến trường miền Nam, hạn chế uy lực vũ khí hiện đại của địch, bảo vệ an toàn nhiều mục tiêu kinh tế- xã hội quan trọng của miền Bắc

Cùng với việc sử dụng súng phun lửa tham gia chiến đấu, BĐHH đã sử dụng màn khói như một phương tiện để đánh địch, có tác dụng ngụy trang, nghi binh lừa địch, là một “đội quân” hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động tác chiến, góp phần bảo toàn lực lượng, che mắt quân địch, thu hút phần lớn bom đạn địch, giảm bớt thương vong cho bộ đội; tạo nhiều yếu tố thuận lợi cho bộ đội tham gia các chiến dịch, các trận đánh.

Hoạt động ngụy trang, nghi bình lừa địch bằng màn khói được thực hiện ngay từ những năm 1967 trên địa bàn Quân khu 4, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội pháo binh tập kích địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Do An…; hoặc làm trận địa giả đánh lạc hướng thu hút bom đạn địch ở các khu vực Thạch Bàn, Rú Rưng, Vĩnh Linh… Mùa khô 1966-1967, lực lượng Hóa học các mặt trận đã thả khói tạo nghi binh, thu hút 2.700 quả bom thường, 149 loạt bom bi, 28 loạt bom cháy, 45.700 quả đạn pháo, 854 quả tên lửa của địch.

Trong các chiến dịch, các trận chiến đấu, BĐHH đã dùng màn khói ngụy trang, nghi binh, thu hút hàng ngàn tấn bom đạn địch vào các trận địa giả, bảo đảm an toàn cho bộ đội, xe tăng của ta chiến đấu giành thắng lợi. Điển hình trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), Đại đội 2 Tiểu đoàn 901 làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch đã thực hiện nghi binh ở một số trọng điểm. Ở hướng Tây của chiến dịch, lực lượng nghi binh đã cấu trúc được 13 trận địa pháo giả, 9 trận địa phục kích bắn máy bay, 13km đường giả, 70 bù nhìn, 5 chiếc cầu giả bắc qua sông, 20km cột và dây điện thoại giả, 6 mục tiêu mang cần ăngten vô tuyến điện, 24 kho và lán giả, 6.180 giờ dùng lửa bếp và trực lửa bếp đốt điểm khói và gây ánh lửa, làm hàng trăm mét tuyến công sự ẩn nấp, bảo đảm an toàn cho một tuyến cơ động của mặt trận, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chiến đấu. Chỉ tính trong đợt 1 của chiến dịch, số bom đạn địch đánh vào các khu vực nghi binh trận địa giả là 1.225 loạt bom, 8.325 loạt pháo, 79 loạt B52, 180 quả bom cháy, 130 loạt rốc két, 52 loạt tên lửa. Lực lượng nghi binh đã bắn bị thương 1 máy bay địch. Ở hướng Đông của chiến dịch, nghi binh được tổ chức ở Trung đoàn 270, các Trung đoàn pháo 204, 218. Kết quả đã làm được 374 cụm khói, 943 điểm khói, tạo ra màn khói tại 44 trận địa giả, thu hút 21 giờ địch đánh bom, 24 giờ địch đánh pháo.

Ở miền Bắc, từ 1967 đến 1972, BĐHH đã thực hiện 385 trận thả khói, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng. Điển hình: Đại đội 92 thả khói 47 lần ngụy trang bảo vệ an toàn Nhà máy điện-nước Yên Phụ, Hà Nội (từ 13/6 đến 18/12/1967), trong quá trình chiến đấu, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường bám trụ, phát khói liên tục để mục tiêu được bảo vệ an toàn, như gương chiến dấu hy sinh của Chính trị viên phó đại đội Nguyễn Văn Vi; lái xe thả khói Đặng Đình Thướng mặc dù bị thương vẫn bình tĩnh lái xe giữ đúng tốc độ, thả khói che kín mục tiêu; hành động dũng cảm lao lên giữa trận địa, dùng tay điểm hỏa phát khói bảo vệ Cầu Đuống khi bị địch đánh hỏng hệ thống điểm hỏa bằng điện (30/7/1972) và anh dũng hy sinh của đồng chí Giang Lệ Bồng đã trở thành tấm gương tiêu biểu để mọi người học tập noi theo.

Hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, vận chuyển bảo đảm khí tài; sửa chữa trang bị, vật tư phòng hóa phục vụ mặt trận

Với tinh thần tất cả vì miền Nam, tất cả cho tiền tuyến, cán bộ, chiến sỹ Kho Khí tài 61 Hóa học (Kho K61) và Xưởng sửa chữa khí tài 61 (X61) đã cấp phát kịp thời khối lượng lớn trang bị khí tài hóa học cho chiến trường. Trong 4 năm (1968-1972) đã cấp phát trên 9.300 tấn hàng, vận chuyển bằng xe gần 335.000 km bảo đảm an toàn. Nhiều tấm gương lái xe tiêu biểu cho tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, như gương liệt sỹ Nguyễn Duy Ngà và Nguyễn Văn Thông, khi hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng tới chiến trường bị máy bay địch đánh phá, trước lúc hy sinh vẫn giao nhiệm vụ cho người thay thế, đưa xe về đơn vị an toàn.

Xưởng X61 ngày đêm bám máy, sản xuất và cải tiến 594.603 mặt nạ phòng độc, 15 hòm hóa nghiệm dã chiến; may 45.491 túi đựng mặt nạ. Nghiên cứu chế thử thành công 3 khuôn mặt nạ cao su và một bộ khuôn mặt nạ K71 của Việt Nam, kịp thời bổ sung cho chiến trường. Bộ đội Hoá học Miền cũng đã sản xuất hàng vạn khí tài như: Mặt nạ phòng độc giản đơn, hộp thuốc chống khói độc, thuốc cấp cứu bỏng phốt pho. Mặt trận Tây Nguyên năm 1968 đã sản xuất 3500 mặt trùm tự chế trang bị cho cán bộ đại đội trở lên.

Hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ thu thập tư liệu làm chứng cứ sinh động tham gia đấu tranh ngoại giao, tố cáo tội ác của Đế quốc Mỹ sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

Từ 1965 đến 1972, Cục Hoá học thường xuyên cử cán bộ tham gia Tiểu ban Điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Cán bộ Hóa học dưới danh nghĩa chuyên viên đã tiếp trên 50 đoàn khoa học và tổ chức xã hội trên thế giới tìm hiểu về chiến tranh hóa học của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Cục Hoá học đã cung cấp nhiều tài liệu, tư liệu có giá trị về tội ác chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam cho Tòa án quốc tế Béctrăng-Rút xen tại Đạn Mạch. Cung cấp tài liệu và tham luận tại Hội nghị “Ngày nghiên cứu khoa học về chiến tranh hóa học” do Trung tâm quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh tổ chức tại Trường đại học Oroay-Pari (Pháp tháng 2, 3/1970); đồng thời giới thiệu tình hình chiến tranh hóa học của Mỹ ở miền Nam Việt Nam cho nhiều Trường đại học và Viện nghiên cứu khoa học ở Pháp. Tháng 12/1970 tại Pa-ri, cán bộ Cục Hoá học tham gia hội nghị chống chiến tranh hoá học của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã chính thức công bố với thế giới loại chất độc Đế quốc Mỹ phun rải ở miền Nam Việt Nam là chất diệt cây 2,4D; 2,4,5T và các chất độc kích thích CS, CS1, CS2, làm rõ tác hại của chúng lên con người và môi trường, có sức thuyết phục các nhà khoa học phương Tây, kể cả một số nhà khoa học Mỹ. Cũng trong thời gian trên, bộ phim “Chiến tranh hoá học của Mỹ ở miền Nam Việt Nam” đã được dùng làm tài liệu tố cáo tội ác của Mỹ tại Hội nghị quốc tế gồm các nhà khoa học của 16 nước. Cục Hoá học còn cung cấp tài liệu về chiến tranh hóa học tại Việt Nam cho Hội nghị Luật gia quốc tế tổ chức ở Pháp (1968); Tổ chức quốc tế điều tra tội ác chiến tranh ở Stốckhom-Thụy Điển (1969-1971); Hội nghị quốc tế chống vũ khí hạt nhân, hóa học ở Béclin-Cộng hòa dân chủ Đức (1971); Tòa án quốc tế Béctrăng-Rútxen tại Oslo-Na Uy (1971); Hội nghị quốc tế chống ô nhiễm môi trường tại Thụy Điển (1972).

Những hoạt động của Bộ đội Hoá học trên mặt trận đấu tranh chính trị, ngoại giao đã góp phần thức tỉnh lương tâm của nhân loại tiến bộ. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trên thế giới, ngày 26/12/1970 Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã phải ra lệnh huỷ bỏ việc phun rải các loại chất độc diệt cỏ ở miền Nam Việt Nam.

Hoàn thành đặc biệt xuất sắc công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phòng hoá phục vụ kịp thời nhiệm vụ chiến đấu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác nghiên cứu kỹ thuật, bảo đảm khí tài trang bị đã bám sát hoạt động tác chiến trên các chiến trường và được đẩy mạnh trên ba mặt: tận dụng phát huy tác dụng khí tài hiện đại chế sẵn, nghiên cứu cải tiến cho thích hợp với điều kiện Việt Nam; kết hợp hiện đại với thô sơ ứng dụng; tích cực cải tiến vũ khí, trang bị thu được của địch, bổ sung cho chiến trường, phục vụ và bảo đảm chiến đấu thắng lợi.

Binh chủng đã tích cực nghiên cứu, cải tiến một số khí tài trang bị phù hợp, gọn, nhẹ, dễ mang vác, cơ động như mặt trùm KT-69, M04 cải tiến (thành hộp lọc Việt Nam), gạc tẩm sun fát đồng; cải tạo súng phun lửa nhẹ, hộp kiểm tra đo điện, hòm hoá nghiệm dã chiến, khuôn mặt nạ, mặt nạ cao su Việt Nam, than, giấy... Nghiên cứu cách tạo màn khói chống bom điều khiển bằng lade của Mỹ; nghiên cứu chế tạo nhiều loại khói màu để thực hiện nhiệm vụ nghi binh cho trận địa tên lửa, phục vụ diễn tập cho bộ binh . . . Nghiên cứu các chất cháy để đóng chai cháy, mìn cháy, đạn cối cháy, sản xuất hàng ngàn mồi cháy phục vụ cho thả khói ngụy trang bảo vệ các mục tiêu trên miền Bắc.

Cùng với việc tập trung nghiên cứu phục vụ chiến trường, Binh chủng đã tiến hành phân tích chất độc diệt cây. Phân tích, xét nghiệm và tổ chức khắc phục những vụ nhiễm độc do máy bay địch phun rải ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hòa Bình... Nghiên cứu, sử dụng một số nguyên liệu sẵn có trong nước để phục vụ cho sản xuất than hoạt tính, giấy lọc, cao su nhiệt đới hóa...đạt chất lượng tốt không kém hàng nhập ngoại và hàng viện trợ. Kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của Binh chủng không chỉ phục vụ nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường, mà còn phục vụ tích cực nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc.

NHỮNG THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC (1986-2015)

Hoàn ­thành xuất sắc nhiệm vụ điều tra, thu gom, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 74 triệu lít các chất diệt cỏ, trong đó có khoảng 45 triệu lít chất da cam (ước tính chứa hơn 170 kg dioxin - chất có độc tính cao nhất được biết cho đến nay) và hơn 9.000 tấn chất độc CS cùng với đạn dược chứa chất độc CS; làm 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và môi trường sinh thái bị huỷ hoại. Hậu quả chiến tranh do Mỹ gây ra cho nhân dân ta rất nặng nề. Binh chủng Hóa học được giao nhiệm vụ điều tra, thu gom, xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh, đây là nhiệm vụ chiến đấu thời bình. Với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, trình độ chuyên môn sâu, cán bộ, chiến sỹ hóa học không quản độc hại, nguy hiểm, trực tiếp điều tra, thu gom, xử lý triệt để hàng trăm tấn tấn chất độc CS và đạn dược chứa CS trên địa bàn thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9. Đặc biệt, năm 2005 đã xử lý xoá bỏ được điểm nóng về ô nhiễm chất độc CS tại Khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Binh chủng đã tự nghiên cứu, lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp điều kiện Việt Nam và được ứng dụng thành công trong xử lý chất da cam/dioxin. Điển hình là: Chủ trì thực hiện chôn lấp, cô lập cách ly được gần 100.000m3 đất nhiễm chất độc hoá học/dioxin trên diện tích 4,3ha tại sân bay Biên Hoà (Dự án XĐ-1), ngăn cản phát tán dioxin ra môi trường xung quanh, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân trong khu vực. Từ năm 2014, Binh chủng tiếp tục được Bộ giao thực hiện dự án XĐ-2 đào xúc, vận chuyển, chôn lấp, cô lập cách ly khoảng hơn 50.000m3 đất nhiễm chất độc tại sân bay Biên Hoà (Đồng Nai). Chủ trì thực hiện dự án điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam tại 7 sân bay (Đà Nẵng, Phù Cát, Nha Trang, Tuy Hoà, Phan Rang, Tân Sơn Nhất, Biên Hoà) và đề xuất các giải pháp xử lý; kết quả của dự án này được Văn phòng Ban Chỉ đạo 33/Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật trong Báo cáo tổng thể về tình hình ô nhiễm dioxin tại 3 “điểm nóng”: Sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng và Phù Cát vào tháng 11/2013.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giám sát công nghệ dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chủ trì thực hiện và Quân chủng Phòng không - Không quân làm chủ đầu tư. Quá trình giám sát, đã kịp thời phát hiện các sự cố báo cáo chủ đầu tư và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Ngoài ra, còn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: Tư vấn thiết kế kỹ thuật cho công trình xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định). Tư vấn xây dựng phương án chống lan tỏa tạm thời ô nhiễm chất độc da cam chứa dioxin khu vực Tây Nam đường băng sân bay Biên Hòa. Chủ trì thẩm định các công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin do các đối tác nước ngoài đề xuất. Tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về khắc phục môi trường ô nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin.

Thành tích xuất sắc trong khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Binh chủng, thực sự là lực lượng đi tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, độc hại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đúng như lời huấn thị của Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho Binh chủng: “Ở đâu có hơi độc, chất độc là các đồng chí đến và những nơi các đồng chí đã đến thì môi trường phải được trở lại trong sạch, an toàn. Đây là nhiệm vụ chiến đấu của các đồng chí trong thời bình... Các đồng chí đã, đang và sẽ mãi mãi góp phần làm sáng ngời hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới”.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xử lý sự cố hoá chất độc-xạ, bảo vệ môi trường, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước

Bộ đội Hoá học đã thực hiện xuất sắc vai trò tham mưu xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường trong quân đội; làm nòng cốt, tham gia ứng cứu và trực tiếp xử lý nhiều sự cố hoá chất độc, xạ, bảo vệ môi trường. Trực tiếp xử lý ô nhiễm môi trường do chôn lấp 350 tấn gia cầm bị dịch cúm H5N1 ở Hà Tây (cũ); xử lý ô nhiễm môi trường do chôn lấp không đúng quy trình hàng trăm ngàn con lợn chết do dịch tai xanh ở Thanh Hoá; xử lý ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang; tham gia cứu hộ, cứu nạn do ngạt khí độc tại xã Thái Học, Nguyên Bình (Cao Bằng); xử lý sự cố hóa chất độc của tàu nước ngoài ở Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng); xử lý sự cố nổ hoá chất tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng... Thiết kế, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải cho nhiều khu công nghiệp và y tế trong và ngoài quân đội; các hệ thống xử lý nước cố định và cơ động cho các đồn biên phòng, đơn vị quân đội đóng quân vùng sâu, vùng xa và nhân dân vùng bị bão lụt…

Quan trắc, cảnh báo diễn biến tác động hoá học, phóng xạ trong không khí ở các mục tiêu, địa bàn quan trọng, như: Quảng trường Ba Đình, Sân bay Nội Bài, khu quân sự Sơn Tây-Hòa Lạc, các quân cảng, các công trình chiến đấu, các cơ sở công nghiệp. Kiểm soát môi trường không khí 24/24 tại thành phố lớn.

Phân tích, kết luận các mẫu hoá chất, phóng xạ lạ ở Đồng Nai, Bình Định, Huế, Phú Yên, Hà Nội, Hoà Bình... góp phần ổn định dư luận và cuộc sống của nhân dân, Điển hình là vụ thất thoát nguồn phóng xạ trong sản xuất công nghiệp tại phường Bạch Đằng (Hà Nội) tháng 8/2006, cùng các lực lượng điều tra, thu hồi, tẩy xạ trên 10 tấn vật liệu nghi nhiễm xạ và kiểm tra 255 người. Vụ ở Thừa Thiên - Huế năm 2007, có 57 người bị phồng rộp, phải đưa cấp cứu, dẫn tới sự hoảng loạn trên diện rộng, Binh chủng Hoá học đã phân tích, kết luận được nguyên nhân gây hại và hướng dẫn địa phương quy trình xử lý, giúp địa phương ổn định tình hình.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, đào tạo, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Binh chủng

* Hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển tiềm lực phòng hoá. Nắm vững chức năng, nhiệm vụ của một Binh chủng vừa chiến đấu, vừa bảo đảm, Binh chủng đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp xây dựng và phát triển tiềm lực phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn cân đối vững chắc trên các hướng, địa bàn chiến lược, sẵn sàng bảo đảm cho LLVT đánh thắng chiến tranh trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí huỷ diệt lớn cũng như trong các thách thức an ninh phi truyền thống (hoạt động khủng bố, sự cố, thảm hoạ hoá chất, sinh học, phóng xạ, hạt nhân...). Chủ động tham mưu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoá học, phóng xạ trong thi hành các Luật: Quốc phòng, Dân quân tự vệ, Bảo vệ môi trường, Hoá chất, Năng lượng nguyên tử... Hướng dẫn công tác phòng hoá thực hiện Nghị định 117 của Chính phủ và Thông tư 10 của Bộ Quốc phòng về Phòng thủ dân sự... Tham mưu xây dựng nội dung phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn vào chương trình bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh cho các đối tượng.

Chủ động tham mưu xử lý tốt việc thực hiện các Công ước quốc tế về kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí hoá học, hạt nhân. Trực tiếp hướng dẫn, chuẩn bị nội dung và tham gia phục vụ hoạt động thanh sát quốc tế tại các cơ sở hoá chất trên các địa bàn, vừa đúng luật pháp quốc tế, vừa bảo đảm an ninh quốc gia.

* Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Binh chủng thường xuyên quán triệt, giáo dục cho cán bộ chiến sỹ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định, thường xuyên luyện tập thành thạo các phương án tác chiến, không để bị động bất ngờ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tích cực chủ động nghiên cứu nắm chắc tình hình các mục tiêu đảm nhiệm, xây dựng các phương án chiến đấu, các tình huống địch có thể sử dụng tác nhân, hoá học, sinh học, phóng xạ và các sự cố hoá chất độc xạ có thể xảy ra để dự kiến các biện pháp xử lý thích hợp, hiệu quả. Trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn Binh chủng không ngừng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn các mạng mới. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu khi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hoá quan trọng của Đảng, đất nước và quốc tế diễn ra ở Việt Nam.

Tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập từ cấp Tiểu đoàn đến cấp Trung đoàn theo các phương án sẵn sàng chiến đấu, tham gia nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng; phối hợp thực hiện nhiều cuộc diễn tập chống khủng bố, chống bạo loạn lật đổ, diễn tập ứng phó sự cố hoá chất độc-xạ, cứu hộ, cứu nạn... bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị.

* Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Binh chủng luôn chỉ đạo chặt chẽ công tác huấn luyện chiến đấu cho các đối tượng huấn luyện phòng hoá chuyên môn, phòng hoá phổ thông và dân quân tự vệ... Trong tổ chức thực hiện đã bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", thực sự, thực tế. Tích cực nghiên cứu, đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện, tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện chuyên sâu sử dụng thành thạo VKTBKT có trong biên chế, làm chủ vũ khí trang bị, khí tài mới, hiện đại. Tập trung huấn luyện chống khủng bố, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, ứng cứu sự cố hoá chất độc, phóng xạ, hạt nhân và khắc phục hậu quả môi trường, cứu hộ, cứu nạn... theo các kịch bản, sát với các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Hằng năm, Binh chủng đều hoàn thành 100% các nội dung huấn luyện theo quy định, kết quả 100% đạt yêu cầu, có trên 85% khá giỏi. Các đơn vị hoá học toàn quân đều đạt tiêu chuẩn huấn luyện chuyên môn Binh chủng giỏi.

Tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng về nội dung phòng hoá cho hàng nghìn lượt cán bộ ở Trung ương và địa phương; huấn luyện phòng hoá cho hàng chục nghìn lượt quân dự bị động viên; huấn luyện phòng hoá phổ thông cho sinh viên, học sinh nhiều trường đại học, trường phổ thông. Ngoài ra còn giúp các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Chính phủ xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn về hoá học, phóng xạ...

* Hoàn thành xuất sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh chủng thường xuyên lãnh đạo xây dựng lực lượng nòng cốt về phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn cho quân đội và quốc gia. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật hoá học. Chỉ đạo Trường Sỹ quan Phòng hoá, các Khoa, Bộ môn hoá học của các Học viện, nhà trường trong quân đội chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện đào tạo phòng hoá, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ phòng hoá trong toàn quân. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại chỗ với tại trường, tích cực luân chuyển để rèn luyện toàn diện đội ngũ cán bộ; tuyển chọn, gửi cán bộ, nhân viên chuyên môn đi đào tạo, bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, đào tạo ở nước ngoài. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn hoá học thường xuyên bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng không ngừng được nâng cao; tỷ lệ cán bộ đạt trình độ đại học tăng từ 42,82% (1997) lên 96,40% (2015), trong đó sau đại học 17,2%; cán bộ, nhân viên ở cơ quan, đơn vị đều hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ.

Hoàn thành xuất sắc công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật phục vụ tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Ngay sau khi đất nước thống nhất, Binh chủng Hoá học đã cử cán bộ tiếp quản lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, phối hợp nghiên cứu, quản lý làm tiền đề cho phát triển công nghiệp điện hạt nhân ngày nay.

Binh chủng luôn bám sát thực tiễn, yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và phát triển tiềm lực phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn, bảo vệ môi trường... Nghiên cứu hơn 170 đề tài, biên soạn hơn 330 tài liệu, giáo trình, hơn 1000 mục từ điển Bộ đội Hoá học, trong đó 87 đề tài xuất sắc, được ứng dụng trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh, bảo đảm trang bị thay thế nhập ngoại, đạt hiệu quả thiết thực. Điển hình: Đề tài “Nghệ thuật sử dụng Bộ đội Hoá học trong chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc”; “Sử dụng Bộ đội Hoá học trong chống bạo loạn lật đổ”; “Nghiên cứu tổ chức, hoạt động của lực lượng hóa học chống khủng bố”; “Tổ chức bảo đảm Phòng hóa trong chiển tranh Bảo vệ Tổ quốc”. “Quy trình tổ chức xử lý sự cố môi trường do hoá chất độc xạ gây nên”; “Nghiên cứu quy trình xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh”; “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý đất nhiễm dioxin trong điều kiện Việt Nam”; “Nghiên cứu quy trình công nghệ tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng”. Cụm công trình “Phương tiện và công cụ hỗ trợ phòng chống bạo loạn” được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ năm 2005 và Xe thả khói KH-01 được giải Ba về sáng tạo khoa học cấp Quốc gia năm 2009.

Trong nhiều năm qua, Binh chủng Hoá học đã nghiên cứu, ứng dụng hàng trăm sáng kiến, giải pháp sáng tạo kỹ thuật vào sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, mô hình học cụ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh... Hầu hết các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật đều có giá trị thực tiễn cao, được nhân rộng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm trang bị kỹ thuật cho toàn quân đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng ngân sách.

Đầu tư, làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại trang bị hoá học mới bằng vật liệu trong nước, thay thế hàng nhập ngoại trang bị cho toàn quân. Đã sản xuất được hầu hết phụ tùng thay thế của các trang bị hoá học có trong biên chế không phải nhập ngoại... góp phần nâng cao tiềm lực trang bị hoá học từ nguồn lực trong nước và khẳng định vai trò, năng lực của Binh chủng Hoá học trong tham gia sản xuất công nghiệp quốc phòng.

Thành tích nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của Binh chủng đã thực sự góp phần hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật hoá học phù hợp với đặc điểm tự nhiên và nghệ thuật tác chiến của quân đội ta, thay thế nguồn nhập ngoại, làm lợi về kinh tế hàng trăm tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc làm giàu tri thức quân sự Việt Nam.

Binh chủng luôn chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Chủ động, tích cực xây dựng bản lĩnh chính trị, tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền và các tổ chức quần chúng vững mạnh. Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và làm tốt công tác dân vận

Binh chủng đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, giữ vững định hướng tư tưởng. Tập trung quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng, Pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, của Binh chủng trong tình hình mới; đã thể hiện tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thực sự gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh thầm lặng, chấp nhận thiệt thòi vì một môi trường an toàn, trong sạch và cuộc sống yên bình của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVCQP luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước, trung thành với Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ ở nơi gian khổ, khó khăn, độc hại, nguy hiểm. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ hoá học tình nguyện xung phong vào các phân đội chiến đấu phòng chống khủng bố, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, công tác ở Trường Sa và các địa bàn khó khăn với ý chí quyết tâm cao, trách nhiệm tốt, không có biểu hiện thoái thác nhiệm vụ, ngại nguy hiểm, gian khổ.

Các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng luôn được chăm lo kiện toàn củng cố vững chắc. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng được nâng cao, khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chỉ huy và các tổ chức quần chúng ngày càng tiến bộ, chất lượng Đảng viên, tổ chức Đảng phân tích hàng năm có trên 95% tổ chức Đảng đạt TSVM, không có tổ chức Đảng yếu kém, đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ trung bình hằng năm đạt trên 85%, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết ở đơn vị cơ sở; các tổ chức quần chúng có từ 87 đến 99% đạt vững mạnh.

Chủ động phối hợp với các địa phương tham gia có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước như phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Toàn quân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu vực dân cư”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Hiến máu nhân đạo”... Đặc biệt, phát huy kiến thức chuyên môn của mình, đã giúp đỡ nhân dân bảo vệ môi trường, phát triển triển sản xuất, ổn định đời sống. Binh chủng đã tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, cung cấp tư liệu cho việc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Từ thực tế đời sống sinh hoạt bộ đội còn nhiều khó khăn, Binh chủng đã kết hợp đầu tư của trên với động viên sự nỗ lực cố gắng về công sức của bộ đội để xây dựng củng cố đơn vị. Hệ thống doanh trại được đầu tư xây dựng cơ bản khang trang, sạch đẹp, chính quy; trên 80% bếp ăn đơn vị có hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, 100% bộ đội các đơn vị phía Bắc được tắm nước nóng mùa đông. Tổ chức có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, phong trào “Đơn vị quản lý tài chính tốt”; phong trào “Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác”, phong trào “Xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”. Các đơn vị đã khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế của mình làm dịch vụ khoa học kỹ thuật, tổ chức tốt phong trào tăng gia sản xuất; trồng và chăm sóc hàng chục hec-ta cao su, cà phê, điều; liên tục phát triển đàn gia súc, gia cầm, ao cá, thu hàng tỷ đồng đưa vào cải thiện đời sống bộ đội. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sỹ trong Binh chủng ngày càng được nâng cao, môi trường văn hoá tốt, không có tệ nạn xã hội, văn hoá phẩm xấu độc xâm nhập vào đơn vị.

Những thành tích xuất sắc Binh chủng Hoá học đạt được trong thời kỳ đổi mới có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn và sâu sắc, tiếp nối truyền thống vẻ vang “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi”; khẳng định vị thế, vai trò của Bộ đội Hóa học trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Trần Công Thưởng